BÀI THƠ THÁNG TƯ



Mỗi năm vào dịp tháng tư
Tôi lại giống như một ông đồ già
Loay hoay bày ra giấy bút
Cố viết một bài thơ về đất nước 
Chuyện bên nhà và cả chuyện lưu vong
Nhưng đã bao lần bút gãy mực loang
Bài thơ tháng tư tôi chưa hề viết được. 

Phải chăng khi đến tận cùng khổ nhục 
Con người bỗng trở nên
Bình thản tự nhiên 
Có những chuyện buồn nhức nhối con tim 
Vẫn có kẻ
Có thể bật cười 
Dù là cười chua chát
Bài thơ nầy chắc sẽ dài
Vì đời tôi nhiều lưu lạc
Và cũng chắc sẽ buồn
Vì là chuyện nước non. 

Phải chăng tôi nên bắt đầu 
Khi những chiếc trực thăng
Sắp sửa rời thành phố
Trong đám người đang bon chen lố nhố
Tôi thấy dường như
Nhiều con chuột cống ở Sài Gòn
Cũng cố kiếm đường đi
Chúng cõng trên mình những chiếc va-li
Chứa đầy đô la vàng bạc
Dành dụm từ thời đi buôn gạo lậu 
Dấu diếm từ thời lo bão lụt miền Trung
Tôi thấy chúng nghiêng mình
Hai gối run run
Trước những anh cảnh binh người Mỹ
Chúng nói những gì tôi nghe không kỹ
Chỉ thấy họ lắc đầu
Rồi bước vô trong 
Có lẽ lại là chuyện hối lộ
Ðể dược đi đông 
Ngòai chuyện ấy chúng còn biết gì hơn nữa
Tôi đứng nhìn qua đôi cánh cửa
Cầu mong cho chúng được đi mau
Những con chuột cống nầy
Gặm nhấm đã lâu
Và bán nước từ khi còn rất trẻ
Thuở Tây qua chúng đầu quân rất lẹ 
Tây bỏ đi chúng theo Mỹ vì đô-la
Những chuyện về chủ nghĩa quốc gia
Hay dân tộc thiêng liêng 
Chúng đọc biết bao lần
Nhưng chưa hề hiểu nghĩa
Tôi đứng nhìn qua đôi cánh cửa 
Thầm cầu mong cho chúng được đi nhanh. 

Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi những chiếc xe tăng
Lăn xích tiến vào thành phố
Tôi đứng lặng nhìn Tự Do vừa sụp đổ
Cây Dân Chủ chưa xanh
Ðã héo úa bên đường
Mới giã từ một bọn bất lương
Lại phải đứng nhìn những tên ăn cắp
Chúng đang nhân danh
Hòa bình
Tự do
Thống nhất
Ðể biến con người thành con vật ngây thơ 
Chỉ biết lắng nghe
Chỉ biết cúi đầu chờ
Chỉ biết Ðảng 
Ðảng trở thành tất cả
Lịch sử, tình yêu, tổ tiên, mồ mả
Chỉ còn là những chuyện phù phiếm, viễn vông
Chúng biến những nương dâu bãi mía cánh đồng
Thành những nông trường hoang vu tập thể 
Biến nhà máy thành những nơi hoang phế 
Biến học đường
Thành những nơi để thầy trò tố cáo lẫn nhau
Biến cả bình minh thành những tối thương đau 
Biến tình yêu 
Thành hận thù
Bon chen
Nghi kỵ 
Từ thôn quê cho đến nơi đô thị 
Ðã mọc thêm nhiều nhà cách mạng thứ ba mươi
Những bạn bè thân thiết thuở rong chơi
Bỗng một sáng thành những têm chém trộm 
Chế độ đã dạy cho chúng
Một con đường tồn tại
Con đường phản bội lương tâm
Phản bội gia đình tổ quốc nhân dân
Phản bội chính tâm hồn vốn rất đáng yêu của chúng
Tôi đứng nhìn non sông đang phủ xuống
Một màu đen tang tóc đau thương 
Người lính bộ binh buông súng đứng bên đường
Ðang cúi mặt cố che niềm tủi nhục
Anh không khóc
Sao trời như bão động
Anh không cười
Sao chua chát nghẹn trên môi
Về đâu anh nắng đã tắt trên đồi
Sương đang xuống trên cuộc đời còn sót lại
Ðời của anh 
Ðời một tên chiến bại
Có gì vui để lại mai sau. 

Phải chăng tôi nên bắt đầu 
Khi những chiếc xe bộ đội nối nhau 
Mang gia đình tôi đến vùng kinh tế mới
Ðến Ðồng Xoài trời vừa sập tối
Lại phải sắp hàng nghe nghị quyết triển khai 
Gia đình tôi bảy người
Chen chúc tránh mưa
Căn nhà nhỏ một gian không vách
Mẹ tôi ngồi đôi tay gầy lạnh ngắt
Vẫn cố nhường chỗ ấm cho con 
Gạo lãnh lúc chiều không đủ nấu cơm
Nên đêm ấy cả nhà ăn cháo trắng
Mỗi giọt cháo là một liều cay đắng 
Chảy vào vết thương đang ung mủ trong hồn
Tôi, đứa con đầu trong bảy đứa con
Hơn hai mươi tuổi vẫn hai bàn tay trắng
Nuôi tôi lớn 
Mẹ một sương hai nắng
Học ra trường lương không đủ nuôi thân 
Mẹ tôi chưa hề trách cứ phân vân
Nhưng tôi đọc những buồn lo
Từ trong ánh mắt
Ðêm hôm ấy tôi ngồi nghe mưa rót
Vào lòng tôi những chua xót căm hờn
Bao năm rồi trong cảnh cô đơn
Mẹ tôi sống
Ðôi mắt buồn hiu
Chưa bao giờ khô lệ. 

Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi chiếc ghe nhỏ
Máy hư
Ðang thả lênh đênh trên biển
Bốn phương trời chưa biết sẽ về đâu
Biển vẫn vang lên những khúc nhạc sầu
Ðược viết bằng những cung trầm
Ðong đưa vào vô tận
Như để tiễn đưa tôi 
Một người Việt Nam bạc phận
Ði về bên thế giới hư vô
Chiếc quan tài mong manh trên sóng nhấp nhô
Ðang tiếc nuối những gì còn sót lại 
Biển một màu đen
Tang chế
Buồn man dại 
Và âm u như số phận con người
Ngồi một mình yên lặng trên mui
Cố nghĩ một câu thơ để làm di chúc
Dù biết chẳng còn ai để đọc 
Chẳng còn ai thương tiếc tấm thân tôi
Hai mươi sáu năm lưu lạc trên đời
Sống chưa đủ nhưng đã thừa để chết
Lòng tôi an nhiên không hề sợ sệt
Bỗng thấy ung dung thanh thản lạ thường 
Tôi chợt hiểu tại sao
Con người ai cũng khóc khi sanh
Nhưng nhiều kẻ lại mỉm cười khi nhắm mắt
Hai mươi sáu năm
Ðời tôi buồn hiu hắt 
Chẳng còn gì để lại cho nhân gian
Tuổi thanh xuân với chút mộng vàng
Ðã vụt tắt ngay trong ngày nước mất
Nếu tôi có chết hôm nay
Cũng chẳng phải là người thứ nhất
Và hẳn nhiên không phải kẻ sau cùng 
Trên vùng biển nầy từ độ tháng tư đen 
Ðã thắm máu bao nhiêu người Việt Nam mất nước. 

Phải chăng tôi nên bắt đầu
Bằng những ngày đầu tiên trên Mỹ quốc
Bước chân hoang trên xứ lạ quê người
Ngỡ ngàng nhìn cuộc sống nổi trôi
Không dám khóc
Chẳng dám cười
Chỉ biết xót xa
Ngậm ngùi
Ngơ ngác
Thiên hạ nhìn tôi một người tỵ nạn
Dăm kẻ đã sớt chia 
Cũng đôi kẻ khinh thường
Tôi hiểu ra rằng khi rời bỏ quê hương
Là chối bỏ những gì yêu quí nhất
Hai chữ tự do tôi vô tình đánh mất
Cứ tưởng rằng mình đang giữ nó trên tay
Tự do là gì tôi đã hiểu sai
Nó vô nghĩa đối với một người không tổ quốc
Ðêm đầu tiên tôi nằm nghe thương nhớ
Chảy vào tim đau nhức tận linh hồn
Mẹ tôi giờ nầy còn khóc nữa không
Hay cố ngủ để chiêm bao giờ hạnh ngộ
Em tôi đứng thập thò trên góc phố 
Ðợi anh về dù chỉ mới ra đi
Người con gái tôi yêu đang tuổi xuân thì
Có về lại một lần thăm xóm vắng 
Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Ở bên nầy tuyết vẫn trắng như tang
Nhìn thành phố nguy nga tôi thấy ngỡ ngàng
Thấy tội nghiệp cho Sài Gòn tăm tối
Tôi nhớ cả những con đường lầy lội
Những con đường ngày hai buổi tôi đi 
Tôi nằm mơ làm một cánh chim di
Bay trở lại một lần rồi sẽ chết
Hai tiếng quê hương sao vô cùng tha thiết
Học lâu rồi nhưng mới hiểu ra đây
Quê hương là những gì tôi không có hôm nay. 

Mười bảy năm đã trôi qua
Sài Gòn xưa vẫn thế
Vẫn những đau thương dằn vặt kiếp con người
Mười bảy mùa thu
Bao độ lá vàng rơi
Tóc mẹ trắng
Bạc theo từng nỗi nhớ
Mẹ tôi đã bỏ vùng kinh tế mới
Về lại Sài Gòn tìm một chỗ che mưa 
Cuộc sống bây giờ đã đỡ hơn xưa 
Bởi vì có tôi
Chứ không phải nhờ có đảng
Em tôi lớn không làm người Cộng Sản
Nên suốt đời phải lam lũ kiếm ăn
Tuổi hoa niên chỉ có một lần
Chúng đã bỏ quên trên vùng Kinh Tế Mới
Mười bảy năm đường Sài Gòn vẫn tối
Mưa vẫn rơi hoài
Trên lối cũ thân quen
Người phu quét đường vẫn dậy sớm mỗi đêm
Ôm chiếc chổi lạnh lùng khua góc phố
Bác xích lô trên đoạn đường loang lỗ
Bao năm rồi vẫn đi sớm về khuya
Chiếc lưng trần trầy trụi với nắng mưa
Không dám trách ai 
Chỉ đổ thừa số mạng
Cậu bé đánh giày ngày xưa
Bây giờ đã trở thành tên du đãng
Học thêm nghề đâm mướn chém thuê
Tương lai em biền biệt sẽ không về
Cơn gió lốc cuốn đi thời thơ dại
Những con chuột cống ra đi 
Một số hình như đang tìm đường trở lại
Vì tham nhũng lâu ngày nên đã hóa thành tinh
Chúng đang biến thân làm lãnh tụ anh minh
Tung bùa phép để thu hồi quyền lực
Tội nghiệp đồng bào tôi
Ðã bao đời khổ cực 
Sẽ thêm một lần ngậm đắng nuốt cay
Ở tại Việt Nam trong mười bảy năm nay 
Ngoài tham nhũng
Năng xuất chẳng có gì tăng nhanh hơn là nghị quyết
Ðảng Cộng Sản vẫn tự khoe khoang 
Là muôn đời bất diệt
Vẫn le lói giữa đêm mưa một bóng sao vàng.

Và tôi 
Bao năm rồi vẫn những bước chân hoang 
Rất mệt nhọc như giòng sông chảy ngược
Baì thơ tháng Tư tôi chưa hề viết được
Mười bảy năm dài đâu chỉ kể dăm trang
Trước những đau thương của đất mẹ điêu tàn
Ngôn ngữ của tôi đã trở thành vô nghĩa
Ðời của tôi dù buồn bao nhiêu nữa
Cũng không buồn bằng chuyện nước tôi đau
Baì thơ nầy dù viết đến năm sau 
Cũng chỉ là bài thơ dang dở. 


Trần Trung Ðạo 
30-4-1992